Giáo án điện tử

 

TÌNH TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

TRONG DẠY HỌC CỦA CÁC TRƯỜNG THPT Ở AN GIANG.

 

            Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học ở các trường THPT ở An Giang đã được bắt đầu cách nay trên mười năm. Lúc ấy chỉ là việc dùng máy vi tính để đánh máy rồi in thành tập bài soạn, thay vì viết tay. Đi tiên phong là một số giáo viên của hai Trường THPT Thoại Ngọc Hầu và THPT Long Xuyên. Cũng vào thời điểm này, ở Trường THPT Châu Phú B ( nay là THPT Châu Phú), Ban Giám hiệu và giáo viên đã sử dụng projector để trình chiếu một vài nội dung bài soạn trong máy vi tính, nhằm tạo hứng thú cho học sinh học tập. Vì đam mê, Hiệu trưởng trường THPT Châu Phú (ông Trịnh Văn Diệp) đã mạnh dạn vận động PHHS vay tiền, trang bị một số thiết bị phục vụ việc giảng dạy bằng “giáo án điện tử”.

            Bấy giờ, Sở GD-ĐT An Giang cũng đã biết tình hình trên nhờ công tác thanh tra trường học. Nhưng những người có trách nhiệm lúc ấy phản ứng rất dè dặt, không ủng hộ mà cũng không phản đối. Ủng hộ, lỡ sai thì sao ; phản đối, biết đâu làm nản lòng những người có “tâm huyết”.  

            Tiếp tục bước đi ban đầu, Trường THPT Châu Phú đã học tập, nghiên cứu việc sử dụng “giáo án điện tử” của Trường THPT Thạnh An, Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ để cho ứng dụng rộng rãi tại trường mình và mạnh dạn liên kết với trường này tổ chức nhiều lần Hội giảng giáo án điện tử để giáo viên của hai trường có dịp giao lưu, tích lũy thêm kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong dạy học.

            Lần lượt, các trường khác như THPT Mỹ Thới, Hòa Bình, Long Xuyên, Thoại Ngọc Hầu, …

đã giao lưu với các đơn vị khác trong, ngoài tỉnh và cũng dựa vào CNTT để phục vụ chủ trương đẩy mạnh cải tiến phương pháp dạy học theo chỉ đạo của ngành.

            Trên cái nền giảng dạy bằng giáo án điện tử đó của các trường THPT trong tỉnh, Sở GD-ĐT An Giang tổ chức các chuyên đề về nội dung này trong nhiều năm học và quyết định tác động mạnh thêm bằng hai lần tổ chức hội thi giáo án điện tử năm 2007 và năm 2008 để cổ vũ, khuyến khích các đơn vị, các nhà giáo sử dụng CNTT kết hợp với các phương pháp dạy học khác, nhằm cải thiện chất lượng dạy học trên địa bàn toàn tỉnh.

            Có thể khẳng định, giảng dạy bằng giáo án điện tử mang lại niều lợi ích : tiết dạy sinh động hơn ; học sinh học dễ nhớ, nhớ lâu ; giúp giáo viên đỡ mất nhiều thời gian trên lớp ; học sinh học tập hứng thú, thích học các tiết học ứng dụng CNTT ; …

            Tuy nhiên, dạy học bằng giáo án điện tử hiện nay ở các trường cũng còn nhiều điểm hạn chế. Chẳng hạn, có  tiết dạy Văn học lớp 12, giáo viên trình chiếu các nội dung soạn rất công phu, nhiều tư liệu quý, hình ảnh đẹp, nhưng giáo viên phải dạy như chạy nước rút, học sinh ghi chép lam nham và mất đến hơn 60 phút mới xong tiết học ; một tiết dạy Tiếng Anh lớp 11, giáo viên trình chiếu bài soạn chẳng khác nào phóng to bài học trong sách giáo khoa, không thấy hiệu quả gì tích cực, chỉ làm mất thì giờ ; một tiết Địa lý lớp 10 khác, giáo viên phải vội vàng kết thúc bài học bằng cách đọc thêm một phần trong vở bài soạn cho học sinh chép, “quên đi” những slide đã chuẩn bị sẵn trong máy vi tính, không kịp sử dụng, dạy xong, giáo viên thấy thiếu, còn học sinh thì ghi bài không kịp !

            Sở đã tham khảo ý kiến nhiều học sinh trong các lần thanh tra toàn diện trường học, không ít học sinh cho rằng xem thầy cô dạy bằng giáo án điện từ thì thấy rất hay, nhưng lúng túng, ghi bài thường không kịp. Đặc biệt, những học sinh có học lực yếu kém, cảm thấy theo không kịp bài học giáo án điện tử !

            Trong một Hội nghị triển khai công tác thanh tra việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, một vị lãnh đạo Vụ Giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu rằng, giáo viên đừng chuyển từ việc đọc chép bài soạn của mình sang việc chiếu chép khi dạy bằng giáo án điện tử ; chỉ nên sử dụng máy đèn chiếu như một công cụ chẳng khác gì các công cụ dạy học khác ; sử dụng nó đúng nơi, đúng chỗ để giúp cho việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, định hướng thái độ cho học sinh tốt hơn, nếu không được sử dụng nó trong tiết dạy.

            Có lẽ thầy cô giáo và cán bộ quản lý trường học cần tham khảo thêm ý kiến đó. Trong dạy học, cần có nhiều tiết dạy bằng giáo án điện tử, cần có thêm các ứng dụng CNTT khác trong soạn giảng, để tăng hiệu quả của tiết dạy và cải thiện chất lượng học tập của học sinh. Nhưng cũng đừng quá dựa vào giáo án điện tử, xem như nó có thể thay thế các phương tiện, các cách dạy học khác ; phải đặt việc sử dụng nó với tư cách là một phương tiện kỹ thuật hỗ trợ dạy học hiện đại, không thể bỏ cơ hội mà không tận dụng khi cần thiết. 

 

                                                                                                  NGUYỄN MINH

                                                                                               (Sở GD-ĐT An Giang)

Bài này đã được đăng trong Chuyện sư phạm. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này